Việc sử dụng thuốc kiểm soát đặc biệt cần phải có đơn của bác sĩ. Khi kê đơn thuốc kiểm soát đặc biệt cần có những lưu ý riêng. Còn đối với dược sĩ khi bán loại thuốc này cũng cần phải cấp phép và bán theo đúng quy định. Cùng tìm hiểu về kê đơn thuốc kiểm soát đặc biệt trong bài viết này nhé.
Nhóm thuốc kiểm soát đặc biệt
Trước khi tìm hiểu về kê đơn thuốc kiểm soát đặc biệt thì chúng ta cần phải biết được những thuốc nào thuộc thuốc kiểm soát đặc biệt. Sau đây là 10 nhóm thuốc kiểm soát đặc biệt:
- Thuốc gây nghiện
- Thuốc tiền chất
- Thuốc hướng thần
- Thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất
- Thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện
- Thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần
- Thuốc độc, nguyên liệu độc làm thuốc
- Thuốc phóng xạ
- Thuốc, dược chất thuộc danh mục chất bị cấm sử dụng trong một số ngành, lĩnh vực
- Nguyên liệu làm thuốc là dược chất hướng thần, chất gây nghiện, tiền chất dùng làm thuốc hoặc chất phóng xạ để sản xuất thuốc
Quy định về kê đơn thuốc kiểm soát đặc biệt
- Khi kê đơn thuốc kiểm soát đặc biệt sẽ làm thành 3 bản. Trong đó 1 bản được lưu tại cơ sở khám chữa bệnh, 1 bản được lưu trong sổ khám bệnh của người bệnh và 1 bản có dấu treo của cơ sở khám chữa bệnh lưu tại cơ sở cấp, bán thuốc. Nếu như việc cấp, bán thuốc của chính cơ sở khám chữa bệnh kê đơn thuốc thì không cần đóng dấu treo nữa.
- Kê đơn thuốc gây nghiện để điều trị bệnh cấp tính thì không được kê quá 7 ngày sử dụng
- Người kê đơn thuốc kiểm soát đặc biệt sẽ hướng dẫn người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh viết cam kết sử dụng thuốc kiểm soát đặc biệt theo đúng mẫu quy định. Cam kết sẽ được lập thành 2 bản như nhau, trong đó 1 bản lưu tại cơ sở khám chữa bệnh, 1 bản giao cho người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh.
- Khi kê đơn thuốc hướng thần, thuốc tiền chất đối với bệnh cấp tính thì số lượng thuốc sử dụng không vượt quá 10 ngày. Còn khi kê đơn đối với bệnh mạn tính thì kê đơn thuốc theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế hoặc là kê đơn thuốc với số lượng sử dụng không quá 30 ngày.
- Cơ sở khám chữa bệnh cần phải lập danh sách chữ ký mẫu của người kê đơn thuốc gây nghiện của cơ sở mình gửi cho những bộ phận có liên quan trong cơ sở được biết
- Khi kê đơn thuốc gây nghiện để giảm đau cho bệnh nhân ung thư hoặc người bệnh AIDS giai đoạn cuối không thể đến cơ sở khám chữa bệnh thì bệnh nhân cần phải có giấy xác nhận của trạm trưởng trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi người bệnh cư trú. Khi kê đơn số lượng thuốc sử dụng tối đa trong 10 ngày.
- Khi kê đơn thuốc kiểm soát đặc biệt là thuốc hướng thần, thuốc tiền chất đối với người bệnh tâm thần, động kinh thì sẽ kê theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của chuyên khoa. Người đại diện người bệnh hoặc nhân viên của trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi người bệnh cư trú chịu trách nhiễm lĩnh thuốc. Đồng thời ký và ghi rõ họ tên vào sổ cấp thuốc của trạm y tế theo mẫu sổ đã hướng dẫn của Bộ Y tế cho từng chuyên khoa. Người kê đơnt huốc sẽ quyết định người bệnh tâm thần có được tự lĩnh thuốc hay không trong từng trường hợp cụ thể.
Điều kiện để được kinh doanh thuốc kiểm soát đặc biệt
Để có thể bán các loại thuốc trong đơn thuốc kiểm soát đặc biệt thì cần phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản. Cơ sở vật chất, nhân sự và kỹ thuật đáp ứng chuẩn thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược cần phải có chứng chỉ hành nghề dược. Cần phải có khu vực riêng để bảo quản thuốc kiểm soát đặc biệt. Cần có hệ thống sổ sách hoặc phần mềm để theo dõi và quản lý.
Nhà thuốc chỉ được bán thuốc kiểm soát đặc biệt khi có đơn thuốc. Tuyệt đối không tự ý bán khi khách hàng không đưa đơn, đơn sai hoặc đơn đã quá thời hạn.
Lưu ý khi bán thuốc kê đơn kiểm soát đặc biệt
- Trường hợp khách hàng trả lại thuốc kiểm soát đặc biệt đã mua nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hết. Cơ sở bán lẻ thuốc lập biên bản nhận lại thuốc theo quy định. Thuốc gây nghiện, thuốc tiền chất, thuốc hướng thần khi nhận lại cần để riêng, bảo quản và xử lý theo quy định của pháp luật.
- Khi hết thời hạn lưu tài liệu về thuốc kê đơn kiểm soát đặc biệt thì cần thành lập hội đồng hủy tài liệu theo quy định tại thông tư số 20/2017/TT-BYT và nghị định số 54/2017/NĐ-CP.
- Nếu nhà thuốc đã được Sở Y tế thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và giấy chứng nhận thực hành tốt nhà thuốc nhưng trong phạm vi kinh doanh chưa có thuốc kiểm soát đặc biệt thì nếu có nhu cầu kinh doanh loại thuốc này có thể tiến hành thực hiện các thủ tục, hồ sơ để xin bổ sung phạm vi kinh doanh loại thuốc này.
Trên đây là những điều cần biết quanh việc kê đơn thuốc kiểm soát đặc biệt. Các dược sĩ khi bán thuốc kiểm soát đặc biệt cần phải nhớ những lưu ý để không vi phạm quy định của pháp luật.